Dưa lưới là loại cây trồng được ưa chuộng trong vài năm trở lại đây. Bởi vì sự ngon ngọt, giàu chất dinh dưỡng, và có nhiều công dụng. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại dưa không rõ nguồn gốc. Thế nên bạn có thể trồng dưa lưới tại nhà vừa đảm bảo an toàn vừa có dưa lưới thơm ngon để ăn. Bài viết dưới đây VTC Holdings sẽ hướng dẫn cho bạn các cách trồng dưa lưới tại nhà cho ra năng suất cao.
Trồng dưa lưới vào tháng mấy?
Thời gian thích hợp để bạn có thể trồng cây dưa lưới là vào khoảng từ tháng 2 đến tháng 9. Tuy nhiên thời gian lý tưởng nhất là từ tháng 2 đến 3, bởi vì khi bạn trồng vào thời điểm này thì sẽ thu hoạch trái vào cuối tháng 4 hay sang tháng 5. Trồng từ tháng 8 đến 9 dương lịch và thời điểm thu hoạch sẽ là vào tháng 11 và 12.
Vào thời tiết lạnh không nên trồng cây dưa lưới vì cây dễ bị sâu bệnh gây hại, tỷ lệ cây sống sót, phát triển không cao.
Chuẩn bị đất trồng
Có thể lấy đất phù sa hay đất vườn, … cần bổ sung thêm các loại phân hữu cơ. Hoặc có thể dùng giá thể hữu cơ cao cấp như giá thể T – Rát, giá thể Peatmoss Terraerden, …
Giá thể cũng có thể tự phối trộn theo các công thức phối trộn bao gồm: Đất (đất phù sa hoặc đất màu), xỉ than (mùn cưa hoặc xơ dừa), phân chuồng hoai mục (phân vi sinh) được phối trộn với nhau theo tỷ lệ: 1/4 đất kết hợp 1/2 xỉ than và 1/4 phân chuồng hoai mục.
Sau khi trộn đều theo một tỷ lệ trên thì cần tiến hành xử lý các nấm bệnh tồn tại ở trong giá thể bằng những dung dịch như Daconil 75 WP (1 g/l nước) hay dung dịch Ridomil Gold 68 WG (nồng độ 3 g/l nước) phun đều vào lượng giá thể đã trộn (40 – 50 l/m3 giá thể).
Chuẩn bị hạt giống
Hiện nay ở trên thị trường có rất nhiều loại giống dưa lưới và có nhiều nguồn gốc khác nhau. Nên chọn loại giống dưa lưới có kích thước quả to vừa từ 0,8 – 1,2 kg/quả là thích hợp nhất với trồng trên sân thượng.
Nên chọn mua giống dưa lưới ở những nơi cung ứng uy tín chất lượng. Đảm bảo được chất lượng giống, đúng chủng loại và có nguồn gốc rõ ràng.
Lựa chọn vị trí trồng cây
Dưa lưới vốn là cây ưa sáng nên bạn nên trồng cây ở những vị trí có nhiều ánh sáng, rộng rãi. Có thể trồng ở trên sân thượng, trong chậu, thùng xốp hay ngoài trời nơi có ánh sáng tốt. Không nên trồng cây ở những nơi râm ít ánh nắng, chật hẹp thì cây sẽ khó mà phát triển và ra ít trái.
Cách ươm cây con
Cần ngâm ủ hạt giống cây dưa lưới trước khi gieo. Ngâm hạt với nước ấm theo tỷ lệ (2 sôi: 3 lạnh) từ 4 đến 6 tiếng, sau đó dùng một miếng vải (có khả năng giữ ẩm tốt) để ủ hạt. Khi thấy hạt đã bắt đầu nứt nanh, thì tiến hành cho vào bầu để ươm.
Sau khi hạt đã được ủ thì cho vào bầu ươm rồi sau đó phủ một lớp đất mỏng lên, để ở nơi râm mát và tưới nước để giữ ẩm cho hạt. Đất ươm hạt thì nên dùng đất trộn cùng với phân trùn quế (30%) để có đầy đủ dinh dưỡng cho cây con khỏe mạnh. Sau khoảng 2 ngày ươm giống, thì cây cũng sẽ bắt đầu nảy mầm. Bạn chỉ cần tưới nước cho cây với một lượng nước vừa đủ để cây có thể phát triển tốt. Sau khoảng từ 8 đến 10 ngày thì cây bắt đầu cho ra 2 lá thật.
Ở trong giai đoạn này, bạn không nên tưới quá nhiều nước vì sẽ khiến hạt bị úng và không nảy mầm. Giá thể ươm hạt thường trộn cùng với phân trùn quế hay phân chuồng hoai mục để có thể bổ sung thêm các dinh dưỡng cho hạt, giúp hạt nhanh nảy mầm hơn. Sau khoảng vài ngày thấy cây ra lá thật thì mới đem đi trồng.
Cách trồng cây dưa lưới
Cách trồng cây dưa lưới trên sân thượng
Cho đất đã chuẩn bị sẵn có thêm bón lót để bổ sung (2 kg phân chuồng hoai mục cùng với 0,1 kg super lân cho 100 kg đất) vào trong thùng xốp, thùng sơn hay chậu sao cho cách miệng chậu từ 5 đến 7 cm. Nhẹ nhàng chuyển bầu cây dưa lưới con vào giữa thùng rồi sau đó tiến hành lấp đất cho đến cổ rễ của cây.
Nhưng cần lưu ý tốt nhất nên trồng 1 cây trong 1 chậu. Ấn đất xung quanh gốc cây để cố định cho cây, đảm bảo được cây không bị đổ ngã, tránh lay gốc đứt rễ. Tiếp theo bạn nên phủ rơm rạ lên trên miệng thùng xốp để tránh khi tưới nước thì bị chồi gốc, đồng thời tưới đẫm giữ ẩm cho cây.
Cách trồng dưa lưới trong thùng xốp
Đối với trồng trong thùng xốp. Sau khi cây phát triển từ 2 đến 3 lá thật, tiến hành trồng cây vào trong thùng xốp lớn đã được đục lỗ trước đó. Vì cây dưa lưới thường cho trái to nên nếu trồng cây dưa lưới ở trong thùng xốp hoặc xô chậu thì cần phải chọn loại chậu có độ sâu và rộng.
Tạo hố đất sâu, nhấc nhẹ cây con dưa lưới con ra, sau đó rạch bao nylon rồi đặt bầu vào trong lỗ đục sẵn, vùi kín bầu cây dưới đất và nén cho chặt gốc. Luôn tưới giữ ẩm cho cây ở trong thời gian đầu. Khoảng cách trồng dưa lưới tại nhà thường là: gốc cách gốc 40cm, hàng cách hàng 120cm.
Kỹ thuật trồng dưa lưới ngoài trời
Khi cây đã ra 2 đến 3 lá chính thì bạn cho cây vào trong thùng lớn có thể là thùng xốp hay xô để trồng, nhưng nhớ đục lỗ ở phía dưới thùng để cho cây thoát nước tốt hơn, tránh bị úng. Chú ý đất để trồng dưa lưới thì nên chọn loại đất tơi xốp, giàu chất dinh dưỡng.
Tạo hố đất sâu, rồi rạch bao nylon đặt bầu vào trong hố đã đào sẵn, lấy đất lấp kín và ấn chặt vào gốc cây, đồng thời phủ thêm rơm rạ, gỗ mùn hay cỏ khô xung quanh gốc để làm giữ ẩm cho cây.
Sau khi trồng cây con xong thì bạn nên cần tưới nước 2 lần mỗi ngày đồng thời có thể kết hợp che chắn cho cây để cây không bị ánh nắng gắt của mặt trời chiếu vào.
Cách chăm sóc
Làm giàn cho cây
Khi thấy cây xuất hiện khoảng 5 đến 6 lá thì nên tiến hành làm giàn cho cây leo. Trường hợp, trồng ở gần hàng rào hay ban công thì cũng có thể tận dụng hàng rào để làm dây leo, còn nếu không có hàng rào thì nên dùng cọc tre hay thanh gỗ để làm giàn cho cây dưa lưới.
Tưới nước
Trong suốt quá trình trồng cây cần duy trì độ ẩm thường xuyên để cho cây sinh trưởng, và độ ẩm cần duy trì từ 70 – 75%. Ngày nắng nên tưới ngày 2 lần sáng tối, ngày mưa thì không cần tưới. Nếu gặp điều kiện mưa to bạn cần thoát nước để tránh gây ngập úng cho cây.
Bón phân
Vào giai đoạn đầu thì cần nhiều đạm, giai đoạn tạo hoa hay trái cần nhiều phân lân và sắp thu hoạch cần nhiều phân kali. Cụ thể:
- Phân bón NPK là lựa chọn của nhiều người nông dân để cho cây dưa lưới cho ra trái chất lượng. Có thể lựa chọn các loại phân hữu cơ để bổ sung chất dinh dưỡng và làm tăng độ ngọt tự nhiên cho quả. Chẳng hạn như phân trùng quế, phân chuồng hoai mục, phân hữu cơ: chuối, trứng, sữa, đạm cá, hay rong biển, nước vo gạo,…
- Phân trùng quế nên bón thường xuyên mỗi tuần một lần đến trước khi thu hoạch 7 ngày thì ngưng không bón nữa.
- Phân đạm cá pha loãng với nước, tưới thường xuyên 7 đến 10 ngày/lần, từ 10NST đến trước khi thu hoạch khoảng 7 ngày thì ngưng.
- Khoảng 20NST thì cần bón để tăng lượng kali nhiều hơn đạm bằng phân dịch của chuối, bón hàng tuần để cho quả phát triển tốt nhất.
- Đến khi cây được 30NST thì tăng lượng kali đậm hơn, bón cách ngày để giúp cho quả tăng làm độ ngọt tự nhiên.
Cắt tỉa ngọn
Khi cây có khoảng 5 đến 6 lá thật thì cần tiến hành cắt tỉa hết những nhánh lẻ, chỉ giữ lại những nhánh lẻ khi cây phát triển đến lá thứ 8 hoặc lá thứ 10. Khi cây lớn được tầm 22 đến 25 lá thì nên tiến hành ngắt bớt ngọn để cho cây tập trung vào nuôi quả.
Phòng ngừa sâu bệnh
Khi trồng dưa lưới sẽ không tránh khỏi việc các loại sâu rầy gây hại cho cây trồng. Giai đoạn cây có khoảng 3 đến 4 lá thật thì phun thuốc ngừa bọ trĩ 1 lần (pha với 70% theo liều hướng dẫn ở trên bao bì khi chưa phát hiện ra bệnh). Dùng những loại bẫy pheromone để dẫn dụ ruồi vàng, nên để cách xa khu vực trồng 2 đến 3m, tránh để ở ngay trên cây.
Khi cây khoảng 10 lá thì nên phun thuốc ngừa sâu và bọ trĩ tiếp tục 1 lần ( vẫn pha khoảng 70% liều dùng để ngừa nếu chưa phát hiện ra sâu bệnh). Phun vi sinh để ngừa nấm bệnh định kỳ khoảng 5 ngày/lần từ lúc trồng cây con, liều lượng 10ml/l nước.
Phun vi sinh đối kháng Trichoderma để ngăn ngừa bệnh héo xanh cho cây dưa lưới, bắt đầu tưới lần 1 khi cây được 6 đến 7 lá thật và lần 2 vào lúc quả bắt đầu tạo lưới. 10 ngày cuối cùng thường xuyên kiểm tra dưới đáy quả để tránh bị thối, nên tỉa lá và dọn vườn cho thông thoáng, giãn mật độ trồng cây vào mùa mưa.
Thu hoạch
Dưa lưới cho thu hoạch vào trong khoảng thời gian từ 75 đến 90 ngày tùy giống. Tính từ ngày quả bắt đầu to ra đến ngày chín thì mất khoảng 1 tháng. Quả dưa khi chín thường sẽ có màu trắng ngà hay màu vàng, có mùi thơm, gân lưới xuất hiện rõ rệt. Cuốn của dưa lưới nứt ở xung quanh.
Hái dưa xong bạn nên để nơi thoáng mát ở trong nhà thêm một đến hai ngày nữa thì khi ăn dưa sẽ ngọt và ngon hơn. Trước khi thu hoạch dưa nên ngưng tưới nước 7 ngày để cho dưa ráo nước và giòn ngon hơn.
Kinh nghiệm trồng dưa lưới cho năng suất cao
- Dưa lưới trồng đúng thời vụ sẽ cho năng suất cao.
- Dưa lưới vốn là cây ưa sáng nên bạn nên trồng cây ở những vị trí có nhiều ánh sáng.
- Dưa lưới trồng trên sân thượng nếu được chăm sóc tốt sẽ cho trái to, ngọt.
Kết luận
Tóm lại, trồng dưa lưới sẽ cho ra quả to và năng suất hơn nếu như bạn trồng đúng kỹ thuật cũng như chăm sóc một cách hiệu quả. Hy vọng qua bài viết trên sẽ giúp bà con biết được những cách trồng dưa lưới hiệu quả hơn.
Bài viết liên quan: